- 20/03/2024
Blog radio số 49: Người nổi tiếng chia tay cớ sao ta đau thay?
(Sưu tầm)
Họ chia tay, tôi thất tình. Chuyện tưởng vô lý nhưng lại rất hợp lý.
Mỗi khi hay tin một cặp đôi nổi tiếng chia tay phản ứng chung của người hâm mộ sẽ là họ suy, tôi suy, bạn cũng suy, chúng ta cùng suy. Người ngoài cuộc chẳng quan tâm đã đành, người trong cuộc chia tay thấy đau lòng là lẽ dĩ nhiên.
Nhưng cớ sao những người hâm mộ ở giữa, không trong cuộc, cũng chẳng ngoài cuộc lại thấy buồn não nề. Chẳng khó để bạn bắt gặp cảm giác chạnh lòng, hụt hẫng cứ như thể chính mình mới là người vừa có một mối tình tan vỡ. Nghe có vẻ oái oăm đấy nhưng liệu đây có phải một nghịch lý?
Đồng hóa quá mức (over-identification): Họ chia tay, tôi thất tình
Hiện tượng họ chia tay nhưng tôi thất tình chưa có một thuật ngữ riêng biệt nào để mô tả, nhưng một số chuyên gia gọi nó là đồng hóa quá mức. Nhiều khi chúng ta cảm thấy cô đơn và khát khao có một chuyện tình nhưng lại không thể có được trong đời thực. Đó là lúc chúng ta sẽ tìm kiếm những xúc cảm tình yêu một cách gián tiếp thông qua chuyện tình của những người nổi tiếng hay nhân vật trên phim ảnh.
Dễ thấy là tình trạng tủm tỉm khi nhìn mấy bức hình tình cảm, bấn loạn và thổn thức khi xem video phát “cẩu lương”. Mà cái câu còn cười là còn khổ không sai đi đâu được. Một khi rơi vào trạng thái đồng hóa quá mức là chuyện tình cảm của người ta như hòa làm một với mình. Thấy người ta ngọt ngào là lòng mình cuộc sống nở hoa, còn hay tin rạn nứt đổ vỡ là cuộc đời bế tắc theo luôn.
Mối quan hệ một chiều (Parasocial relationship): Người lạ chứ đâu phải người dưng
Văn hóa thần tượng chính là ví dụ phổ biến của mối quan hệ một chiều. Hiện tượng này xảy ra khi công chúng quan tâm tới một nhân vật nổi tiếng nhờ tiếp xúc qua phương tiện truyền thông.
Một mối quan hệ cơ bản được hình thành từ việc tiếp xúc thường xuyên. Cho nên, chúng ta sẽ dần cảm thấy gần gũi với các ngôi sao sau nhiều lần tiếp xúc một cách trực tiếp hoặc thậm chí gián tiếp qua phương tiện truyền thông.
Vì vậy, về mặt bản chất bạn và người nổi tiếng vẫn là những người lạ nhưng bạn lại có cảm giác họ giống như người thân. Và khi người thân của mình gặp phải chuyện buồn như chia tay dĩ nhiên bạn cũng sẽ cảm thấy tâm trạng đi xuống.
Mơ mộng càng nhiều, vỡ mộng càng đau
Hình ảnh hạnh phúc của các cặp đôi nổi tiếng là một hình mẫu dễ khiến người ta khao khát. Họ đẹp, giàu có, thường xuyên đi du lịch và lúc nào trông cũng lãng mạn, quấn quít bên nhau. Tuy nhiên những gì chúng ta thấy trên truyền thông ít nhiều đều đã qua chỉnh sửa và chọn lọc. Không phải là họ hoàn toàn không hạnh phúc hay đang diễn nhưng đấy chỉ là một phần của mối quan hệ.
Dẫu vậy việc tập trung chia sẻ những khoảnh khắc tốt đẹp, tích cực và hạn chế nói về bất đồng, cãi vã đã vô hình chung khiến người theo dõi hình thành nên cái nhìn lý tưởng hóa về chuyện tình cảm của họ. Sau đó chúng ta bắt đầu sử dụng những ngôn từ mỹ miều để mô tả nào là chuyện tình trong mơ đáng ngưỡng mộ hay ngôn tình bước ra đời thật, ước có một mối tình như thế.
Cho nên, khi một cặp đôi tiến tới kết hôn hoặc có con chúng ta sẽ cảm thấy hân hoan, vui lây. Nhưng sự thật chúng sẽ là những cảm xúc không quá mãnh liệt. Bởi theo nhà tâm lý học Lindsay Henderson, những sự kiện tốt đẹp như vậy xảy ra hoàn toàn ăn khớp với hình ảnh lý tưởng mà chúng ta vẫn hình dung trong đầu.
Ngược lại, chúng ta vỡ mộng và thậm chí suy sụp khi hay tin cặp đôi nào đó từng một thời mặn nồng giờ lại chia đôi. Bởi niềm tin của chúng ta vụn vỡ, thật khó để chấp nhận một cặp đôi hoàn hảo tới vậy rồi cũng chia tay sao và thế là bao nhiêu con người cảm thán mất niềm tin vào tình yêu, hóa ra ngôn tình vẫn chỉ có trong phim mà thôi.
Sau cùng, chia tay là chuyện của người ta nhưng nói nhiều hơn về chính chúng ta. Phản ứng đau lòng khi thấy một cặp đôi mình mến mộ tan vỡ không phải bao đồng hay rỗi hơi, nó có lý do riêng của nó.
Chúng ta cần tôn trọng cảm xúc của mình nhưng cũng đừng để bản thân chìm đắm u sầu quá lâu. Thông qua câu chuyện để rút ra bài học tình cảm cho riêng mình và quay lại với cuộc sống của mình thôi.