• Hotline: +84–246 293 9036
  • recruit@vietis.com.vn
  • 3F & 5F, 3A Building, Lane 82 Duy Tan Str., Hanoi, Vietnam

Trên chuyến bay từ Đà Lạt về Hà Nội, mở cuốn tạp chí mà hãng bay đã chuẩn bị sẵn sau mỗi lưng ghế, Xu chưa từng đọc, nhưng rồi không hiểu sao mình đã rơi vào những con chữ trong đó. Bất giác mang điện thoại ra chụp lại vì muốn hôm nay chia sẻ với mọi người. ^^
“Từ ngã tư Phan Đình Phùng chỗ giao với bốt Hàng Đậu ở Hà Nội, nếu bạn rẽ phải, cứ thế đi thẳng một mạch cho đến khi ngửi thấy mùi thuốc bắc thoang thoảng thì rẽ trái, qua Lãn Ông, rồi đi thẳng thêm một đoạn, ngửi thấy mùi bánh kẹo thơm lừng cả phố, phảng phất mùi thịt quay, bạn biết mình đã ở Hàng Buồm. Đi thêm một đoạn “nghe” thấy náo nhiệt bên tay phải, thậm chí chẳng cần liếc biển tên đường mà cứ nhắm mắt rẽ vào, bạn cũng vào được Tạ Hiện. Rồi cứ bám theo bầu không khí náo nhiệt đó, bạn đi thẳng ra hồ Gươm. Vừa thoát khỏi Đinh Liệt, ta như muốn thở phào một cái; những góc phố hàng rắc rối chằng chịt đã ở lại phía sau.


Có hai kiểu đi đường ở những đô thị chằng chịt như Hà Nội thế này: một, đơn giản nhất, là dùng bản đồ Google maps, thứu sinh ra trong kỷ nguyên công nghệ đã cứu rỗi nhiều người mù đường. Và hai, nếu bạn có ký ức về chúng, là lần mò theo những chỉ dấu cuộc đời đã lưu lại như những mảnh vụn bánh nhỏ đã từng rắc trên mọi lối đi qua nhiều thập kỷ. Suốt hành trình ấy, trong đầu bạn vang lên một cuộc đối thoại trực tiếp với ký ức, và sau một vài khoảnh khắc như vậy, bạn nhận ra rằng thành phố này luôn cất tiếng nói, nếu chúng ta không bỏ qua. Nếu dùng Google maps, phó mặc cho một chiếc điện thoại thông minh, hoặc tệ hơn là gọi một chiếc taxi và không quan tâm chút nào đến chặng đường, bạn sẽ tắt tiếng nói đó trong đầu mình.
Đoạn đường phía trên là nơi tôi đã đi qua hàng trăm, thậm chí cả ngàn lần, từ thời không cầm theo mình một chiếc smartphone nào. Tôi đi đến nơi cần đến bằng cảm giác và sự quen thuộc, từ mùi trong gió và thanh âm văng vẳng bên tai, và đôi khi giật mình, khi đi qua một góc phố nào đó đã đổi thay. Bằng thiết kế, các khúc quanh, và âm thanh, thành phố nói cho chúng ta biết về mọi thứ, từ lịch sử, đến niềm tin, và văn hóa. Đi dạo hồ Gươm cảm giác sẽ khác hẳn tản bộ bên sông Hàn; và cảm giác của một đô thị vẫn có khoảng nghỉ như Hà Nội hay Huế vẫn khác một nơi sôi động 24/7 như Sài Gòn.
Tất nhiên, nếu suy nghĩ thực tế, thì chuyện đi bằng cảm giác như thế, so với đi bằng Google maps, chẳng có gì khác nhau, vì cuối cùng cả hai đều dẫn ta đến đích. Hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sống trong những thành phố, và còn số này dự kiến sẽ tăng lên 60% vào năm 2030. Rồi thế giới này sẽ xoay quanh các đại đô thị và những câu chuyện của nó.
Thập niên 90, triết gia người Mỹ David Abram từng gián tiếp đưa ra một giả thuyết về hệ quả của thói quen cách ly mình khỏi thực tại của con người hiện đại: ông cho rằng bảng chữ cái là

“công nghệ” đầu tiên làm con người cách ly khỏi môi trường xung quanh, khi làm cho ánh mắt con người bị chuyển hướng từ thế giới thực tế sang những biểu tượng của nó. Còn ngày nay, khá nhiều người trong số chúng ta đã và đang trải nghiệm đô thị thông qua màn hình phẳng của các thiết bị điện tử, tách mình khỏi khung cảnh thực.
Ở lại và ra đi
Nhưng các không gian công cộng của đô thị xứng đáng được bạn chú ý nhiều hơn thế. Chúng như những tầng văn bản cổ liên tục bị xóa và sửa đổi, với những dấu vết lịch sử hằn trên mỗi đường nét. Đấy là nơi mà đủ những kiểu người, thậm chí hoàn toàn xa lạ, bỗng một ngày sống trong cùng một không gian. Nơi người này nhìn thấy niềm vui lẫn nỗi khổ của người kia. Nơi chúng ta quây quần sum họp, lần chịu đựng nhau…
Trong một đô thị, ta thường xuyên nhìn thấy những thứ vượt qua các quy ước hoàn cảnh của mình. Một đứa trẻ có thể xuất thân là con nhà giàu, nhưng vào một ngày đến trường, khi cánh cửa xe hơi hạ xuống, nó vẫn phải nhìn thấy mặt bên kia của cuộc sống, có thể hiện diện qua một người ăn xin đang ngồi chờ ngay trước cổng. Bạn có thể là một kẻ mơ mộng chỉ quan tâm đến những chuyện trên trời, cho đến khi nhìn thấy một cuộc đánh ghen trên phố. Chúng ta đều đặn đi qua tha nhân mỗi ngày…Nếu bỏ điện thoại qua một bên, bạn có thể sống đủ kinh nghiệm một đời, chỉ với việc dùng cảm giác thật sự để bước mỗi bước chân ở đô thị.
Mỗi khi đến đất nước khác, tôi thường xuống phố, lang thang không mục đích, trong một cảm giác rất dễ chịu mà chưa từng ý thức việc gọi tên nó ra. Các đô thị trao cho bạn một quyền lực quý giá: đi lẫn vào đám đông, băng qua nhiều cuộc đời đang hạnh phúc lẫn khổ đau, trong một khung cảnh mà trên lý thuyết, bạn được quyền lựa chọn ở lại hay ra đi. Nhưng thực ra nghĩ kỹ lại, thì bạn cũng không thực sự có quyền lựa chọn.
Trong một buổi chiều bất chợt nào đó, khi tôi đi qua lối cũ, nơi căn nhà cũ vẫn ở đó, với những người chủ mới, và hàng xóm cùng đều đã chuyển đi cả, đáng ra tôi có thể bước đi tiếp trong thanh thản. Đáng ra với từng ấy thứ đã biến mất, chẳng có gì níu kéo được ta lưu bước. Nhưng vì đây là phố, nơi những số phận ma sát quá nhiều với nhau, và những kỷ niệm tạo ra một sợi dây quá vững chắc với quá khứ, bạn cứ đứng lại đó nhìn sâu vào con ngõ, tự vẽ ra một thực tại khác xếp chồng lên những thứ đang chứng kiến kia, và nhận ra rằng, mình không thể rời đi. Và thực tế, chưa bao giờ rời đi.”

ĐỐI TÁC TIÊU BIỂU