- 02/08/2022
Làm thế nào để đánh bay sự trì hoãn?
Sau buổi seminar cùng nhóm của mình tuần vừa rồi về chủ đề “Quản lý thời gian hiệu quả”, một vấn đề được nhắc đến mà mình rất muốn cùng mọi người chia sẻ trong bài viết lần này: Sự trì hoãn.
Định nghĩa này chắc không còn quá xa lạ với mọi người nữa vì nó hầu như xuất hiện ở tất cả mọi người. Trì hoãn không có nghĩa là lười biếng. Bạn có thể là 1 người chăm chỉ, hoàn hảo, nhưng tôi cá rằng sẽ có 1 thời điểm nào đó, bạn trì hoãn công việc của mình ngay từ trong tiềm thức.
Hay những câu nói mà chúng ta hay bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. “Lát nữa em làm nhé; Hôm nay không có hứng gì cả, để hôm sau nhé,…”
Chúng ta có việc để làm, nhưng ngồi mãi vẫn k thấy có hứng để làm, để tập trung làm. Đặc biệt là những việc khó khiến chúng ta ngại nghĩ đến nó, ngại bắt đầu, vì vậy mà bạn thường hay lựa chọn việc dễ làm trước, việc khó để sau. Dần dần chúng ta thấy mình còn thời gian thì chúng ta cho phép bản thân dời lịch. Ví dụ việc được giao vào đầu tuần, chúng ta cho bản thân rời đến giữa tuần, đến giữa tuần chúng ta lại cho phép bản thân rời đến t6,7 sát ngày cũng được. Việc đó cứ treo lơ lửng trên đầu chúng ta, cho đến khi ta biết không thể lùi được nữa thì mới cong chân chạy. Nhưng mà đang nước rút rồi, làm được 5p lại bảo thôi mình lướt fb thư giãn một chút, hay bắt gặp bài báo drama nào đó, thế là ngồi hóng nốt. Đôi khi 1 tia sét tội lỗi lướt qua, khiến ta thấy rằng sao deadline dí tới nơi rồi, mình vẫn còn ở đó mà thong dong. Nhưng mà định làm thì lại…tụt mood làm không nổi, thôi lướt youtube, fb tiếp để đợi cảm xúc nó đi lên.
Một ví dụ đơn giản khác như việc học tiếng Anh, tiếng Nhật. Bạn hiểu rất rõ việc học ngoại ngữ sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc và cuộc sống của mình. Người ta thường nói có thêm 1 ngôn ngữ như có thêm 1 cuộc sống thứ 2 vậy. Nhưng rồi, 1 tháng, 6 tháng, 1 năm trôi qua, vẫn chưa một từ vựng nào lọt thêm vào đầu, chúng ta vẫn trì hoãn việc học đó kiểu: để nốt đợt này rồi học. Cứ thế việc học tiếng anh trôi qua mà vẫn chưa có điểm kết, ngày này qua ngày nọ và đôi khi là cả đời. Có một câu nói rất hay đại ý như thế này:
“Ai trong chúng ta cũng có thể thành công, và hầu hết chúng ta đều biết mình cần làm gì để thành công. Sự khác biệt duy nhất giữa nhóm thành công và không thành công là một nhóm có thể ngồi xuống và làm, còn một nhóm cứ đứng nhìn vào những điều cần làm và trì hoãn.”
Có nhiều phương pháp để có thể vượt qua được sự trì hoãn này. Và mọi người có thể cùng nhau trao đổi, chia sẻ như quản lý thời gian, mục tiêu,….đó là những thứ mọi người hay nói. Nhưng mình muốn nhắc đến một cách khác, đơn giản nhưng cũng rất hữu hiệu với bản thân mình, chứ không hẳn cần gì cầu kỳ, quy củ hay lớn lao.
Có một điều mà mọi người hay nói đó là: có hứng rồi làm. Tuy nhiên, dần dần các bạn sẽ hiểu rằng, làm rồi mới có hứng. Nếu các bạn suy nghĩ theo lối mòn đó thì chúng ta rất dễ rơi vào vòng lặp tiêu cực: không có hứng nên không làm, mà không làm thì làm sao có hứng. Cứ như vậy chúng ta sẽ không làm nổi việc gì. Cơ thể chúng ta vận hành theo cách hoàn toàn khác. Hãy thử ép bản thân ngồi xuống làm việc ngay cả khi không có hứng, và rồi chỉ sau 5-10p tập trung 100% làm việc, chúng ta lại dễ dàng bị cuốn vào công việc đó. Khi chúng ta để tâm suy nghĩ, thì dần dần các vấn đề bắt đầu có hướng giải quyết, những cánh cửa đã khóa, từ từ mở ra. Khi đó chúng ta sẽ quen dần với vòng lặp tích cực đó là càng làm chúng ta càng thấy hứng thú, càng hứng thú chúng ta lại càng muốn làm nữa. Mấu chốt để chúng ta bước ra khỏi vòng lặp tiêu cực kia và đến với vòng tích cực chính là khoảng thời gian 5-10p ban đầu. Bằng cách nào đó nếu bạn ép được bản thân ngồi xuống làm vượt qua được khoảng thời gian này thì mọi thứ sẽ lại rất dễ dàng. Mà một khi cuốn vào rồi thì rất khó để dừng lại cho đến khi xong việc. Như việc chúng ta đang say sưa làm việc gì đó, sắp xong mà đến giờ đi ăn trưa, đồng nghiệp bên cạnh rủ đi, chúng ta sẽ muốn làm nốt cho xong để đi ăn cho thoải mái chứ không muốn bỏ ngỏ chút ít rồi lát quay lại lại mất thời gian tập trung như ban đầu. Thế nên cái khó ở đây không phải là công việc mà là đoạn bắt đầu, chỉ đơn giản có vậy.
Vậy thì bằng cách nào để ép bản thân vượt qua được 5-10p đó?
Câu hỏi cũng là câu trả lời. Chúng ta cố ép bản thân mình ngồi xuống làm với niềm tin rằng chỉ 5-10p thôi là chúng ta sẽ nhập cuộc được ngay. Hoặc chúng ta đánh lừa bản thân mình bằng một thủ thuật đơn giản. Giả sử việc đang cần làm của bạn rất phức tạp, thì mình chọn ra mấy đầu mục đơn giản giản nhất trong mớ công việc, rồi lừa bản thân mình, chỉ cần làm xong vài việc nhỏ này thôi rồi mình nghỉ cũng được. Chủ yếu là để đánh lừa cơ thể chúng ta để nó chịu ngồi vào bàn làm việc. Cứ như vậy bạn sẽ dần vận hành được vòng lặp tích cực và hoàn thành hết việc này đến việc khác của mình với tâm thế đầy năng lượng hứng thú.
Bạn có thể nói, ok, bạn làm việc bạn thích thì thấy vậy nhưng tôi đang làm những việc tôi không thích thì sao? Nếu việc đó bạn đã dành thời gian để tìm hiểu về nó đủ sâu thì dù là việc gì đi nữa nó cũng sẽ mang lại cho bạn sự hứng thú nhất định. Có những việc chúng ta không thích làm nhưng vẫn phải làm, chỉ cần dành cho nó sự tập trung và quan tâm nhất định nó cũng sẽ mang lại sự hứng thú không kém việc mà ta thích.
Thay vì đợi hứng thú đến hãy tự tạo ra hứng thú với mọi thứ mà bạn sẽ đối diện. Khi đó bạn sẽ dễ dàng đi qua nó mà không cần trì hoãn.