• Hotline: +84–246 293 9036
  • recruit@vietis.com.vn
  • 3F & 5F, 3A Building, Lane 82 Duy Tan Str., Hanoi, Vietnam

Mọi người đã xem bộ phim này chưa?

“Những đứa trẻ trong sương” – phim nói về cuộc đời của Má Thị Di – một bé gái người Mông, sinh năm 2004. Năm 15 tuổi, em kiên quyết chống lại tục lệ “kéo vợ” của dân tộc mình. Nhờ sự ủng hộ của mẹ đẻ, Di đã tránh được cuộc sống làm vợ, làm mẹ ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Câu chuyện của Di về hành trình trưởng thành và đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc đời mình đã được phản ánh thú vị, sinh động và chân thực qua ống kính của nữ đạo diễn trẻ người Tày, Hà Lệ Diễm. Bộ phim đã giành 34 giải thưởng và đề cử tại các liên hoan phim trên thế giới, phim cũng lọt vào shortlist – danh sách rút gọn (top 15) giải Oscar, hạng mục “Phim tài liệu xuất sắc nhất”. Năm 2023, bộ phim đạt giải thưởng Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất trong hạng mục “Phim hay nhất – Hạng mục phim châu Á”.

Review] Những Đứa Trẻ Trong Sương (Children Of The Mist) - Divine News

Bộ phim bắt đầu từ một tảng đá xám, nơi Di cùng những đứa trẻ khác đang vô tư chơi trò chơi “kéo vợ”, khéo léo mở ra cả một chủ đề lớn của phim. Diễm theo Di làm những điều mà bất cứ cô gái H’Mông mới lớn nào cũng làm – lao động nặng nhọc trên những cánh đồng trơ gốc rạ, tụ tập hát hò trong những buổi tiệc tùng, hăm hở đến trường học để có một đời sống tự chủ, và hơn hết, là trò chuyện với những chàng trai qua tài khoản mạng xã hội. Di mắc kẹt giữa quá nhiều thế giới – nông thôn và thành thị, trường học và nương rẫy, rẻo cao và Internet. Quan trọng nhất, Di là một bé gái đang ở tuổi dậy thì, mà đối với người H’Mông, đã đến lúc Di phải lập gia đình.

Mọi chuyện bắt đầu khi Di lên chiếc xe của một cậu trai trẻ và cứ thế biến mất. Mẹ Di lo Di đã bị bắt cóc, nhưng rồi lại nhẹ nhõm khi biết Di đi theo một chàng trai trong làng. Đó là cách mà bà gặp ba Di, chị Di gặp anh rể của Di… Từ lo lắng, bà chuyển sang chấp nhận, và đặt quyền quyết định về cuộc sống hôn nhân lên vai cô gái Di bé nhỏ – lúc này chỉ mới 15 tuổi.

Di không giống như những cô bé H’Mông khác. Đó là điều thú vị, và cũng là thứ đã tạo nên thành công cho bộ phim. Theo lời đạo diễn Hà Lệ Diễm, Di là đứa trẻ đầu tiên dám bước ra bắt chuyện và kéo Diễm tham gia những trò chơi của Di cùng bạn bè của Di. Di tự tin, tự chủ hơn nhiều so với những cô bé H’Mông vốn rụt rè, khép nép, và cũng chính nhờ những nét tính cách ấy mà trong Di dậy lên một thái độ phản kháng – Di không chấp nhận việc mình là “nạn nhân” của tập tục “kéo vợ”. Từ đồng thuận, sang nghi ngờ, chối bỏ, ân hận, quyết định, và nhẹ nhõm – Di trải qua bao sắc thái lớn lao trong đời trong vài ngày ngắn ngủi vì quyết định của mình.

Bộ phim cũng khép lại ở tảng đá xám đó, khi Di ngồi một mình suy nghĩ về những chuyện đã qua, với nụ cười dứt khoát: “Về!”. So với khung cảnh ở đầu phim, Di trông trưởng thành hơn, nhưng cũng buồn bã hơn. Những đứa trẻ bạn Di, lúc này, đã không còn bên cạnh (có lẽ, vài đứa trong số đó đã xuôi theo tập tục mà lập gia đình khi tuổi còn niên thiếu). Bầu trời cũng trông xám xịt hơn (có thể, đây đang là mùa thu, thời điểm của những phiên chợ tình?). Tất nhiên, mọi thứ đều ngẫu nhiên, bởi vì đây là phim tài liệu. Diễm may mắn, khi cô không cố tình mà vẫn thu được những khoảnh khắc đắt giá. Nhưng cũng có thể, đây chỉ là một số trong hàng ngàn thước phim đã được Diễm thu về trong suốt 3 năm theo chân Di.

Tôi và bè bạn, ai cũng có chút mơ mộng một lần đứng trên biển mây để thả hồn mơ mộng, trend săn mây ở những nơi hùng vĩ của đất trời Tây Bắc. Nhưng chẳng ai chọn được nơi mình sinh ra. Vào trong biển mây mới thấy những con người dân tộc thiểu số như cô bé Di trong phim lớn lên trong mây mù núi cao có một cuộc sống thật khắc nghiệt.

Chúng ta lớn quá nhanh không kịp thích nghi với cuộc sống. Già quá sớm còn khôn quá muộn. Chìm trong men rượu hoặc dí mắt vào điện thoại để quên đi cuộc sống thật. Thập niên 80, giáo sư Nguyễn Khắc Viện đã nhận định những chiếc Honda hay cuốn băng video là những cú đấm đêm ngày vào nền văn hóa của chúng ta. Ngày nay thì mạng xã hội cũng là những mũi dùi đâm vào những nền văn hóa lâu đời của đồng bào. Bản sắc, câu chuyện, bài hát bị lãng quên dần. Cứ mỗi tháng thế giới lại mất đi một ngôn ngữ của một dân tộc thiểu số. 

Vậy mà những hủ tục thì dai dẳng như nấm mốc góc ẩm. Đời người nơi vùng cao chưa kịp phát tiết tài hoa thì đã thanh xuân héo tàn vì những tập tục lạc hậu.

Không chỉ là những đứa trẻ mà ngay cả bố mẹ chúng cũng đang chìm trong màn sương. Kể cả chúng ta – những người phố thị – liệu cũng đang chìm trong màn sương mù mịt không thấy rõ tương lai, không biết mình sống để dâng hiến cho điều thiêng liêng gì?

Nếu bạn đã một lần đến Tây Bắc nhìn sương và nhìn tuổi trẻ trôi qua trên tay mình, “Những đứa trẻ trong sương” sẽ mang đến một nỗi hoài niệm quý giá. Nếu chưa từng nhìn sương, với tuổi trẻ đã qua, hay chưa đến, bạn cũng có thể xem “Những đứa trẻ trong sương”, để thấy, ngoài những điều mà đời sống cá nhân hay công nghệ mang đến, còn có những người khác, đời sống, nơi chốn khác, xa xôi, mịt mờ, và do đó, cũng thú vị hơn nhiều.

ĐỐI TÁC TIÊU BIỂU