- 19/12/2023
Blog radio số 40: Căn bếp như là cái neo trong thời không
“Mái lạnh gia đình???
Nhà lạnh thì thường có vấn đề, đó là tại sao ông bà ta gọi là mái ấm gia đình chứ không ai đi gọi là mái lạnh gia đình hay mái nóng gia đình. Hơi ấm hiện diện cho sự sống và sự cân bằng. Lạnh quá hay nóng quá đều sinh ra mất cân bằng.
Vậy hơi ấm từ đâu ra?
Từ bếp ra, từ ánh sáng chiếu vào, từ năng lượng của những người sống trong đấy,…
Có người nói, lửa bếp mà tắt thì lửa tình cũng sắp cạn. Một gia đình ít dùng hay không dùng bếp thì năng lượng dương xuống rất thấp. Thân nhiệt của mọi người lúc cân bằng nhất cũng ở trạng thái ấm, tỷ lệ dương cao hơn âm. Ngôi nhà cũng thế, nó là tổ hợp lớn hơn, cũng dương trội hơn rõ. Mọi người hiểu được tỷ lệ âm dương này, sẽ quan sát được rất nhiều thứ để tìm được sự cân bằng cho bản thân và những tổ hợp lớn hơn (như nhà, nhóm, tổ chức, hay xã hội).
Có nơi nào bình an và ấm áp hơn một bếp lửa? Dù là bếp hiện đại sạch đẹp hay góc bếp quê ám khói đầy bồ hóng, thì nó vẫn là nơi giữ hơi ấm trong ngôi nhà, nơi không chỉ là những bữa cơm mà còn là những gắn kết yêu thương.
Bếp có nấu nướng thường xuyên thì năng lượng nó rất khác, vì vợ chồng mà có chuyện lâu ngày chưa thông thì tần suất nấu cơm sẽ bớt lại hẳn. Một là không có tâm trí để nấu, hai là nấu mà không có ai ăn. Đó là tại sao tôi rất quan trọng bữa cơm tối, bận cỡ nào, hai vợ chồng nên ngồi ăn chung, đó là dấu hiệu quan trọng để biết 2 bên còn kết nối và muốn tiếp tục chung mâm.
Còn hơi ấm từ năng lượng của mỗi người sống trong đó thì sao?
Người có thân bệnh thì cân bằng âm dương luôn mất cân bằng, và người có tâm bệnh cũng tương tự. Tâm tham sân, lo sợ, lo lắng quá nhiều thì âm dương trong người đó sẽ không quân bình, lâu ngày sinh bệnh trên thân thể và tâm lý.
Do đó, về mặt thô nhất, mọi người ăn gì phải chú ý đến tính âm tính dương của cái mình ăn vào. Không có công thức chung, mỗi cơ thể thiếu phần nào thì bổ sung phần đó. Chủ để học ăn như thế nào là 1 chủ đề lớn, chắc chúng ta sẽ tìm hiểu từ từ vào lúc nào đó. Cái khó là hầu hết các đồ ăn mọi người đang có thể mua từ chợ đều khả năng rất cao gây mất cân bằng cho thân tâm. Vì thịt có sạch không hay rau có sạch không thì có trời mới biết.
Còn thức ăn cho tâm, là những thứ mà các bạn nghe, xem, đọc, chạm mỗi ngày! Xem gì, nghe gì, đọc gì, nó cũng gây mất cân bằng cho tâm chính bạn. Ngay cả chơi với ai, hay gặp ai, cũng là một loại thức ăn cho tâm.
Nên chuyện gia đình hết ấm, dẫn đến đổ vỡ, thì gốc rễ là sự mất cân bằng hay chao đảo ngay chính bản thân người đó. Nó bị hút theo những tầng năng lượng mới, có thể cao hơn, có thể thấp hơn, mà đa phần là thấp hơn. Chứ thân tâm một người bình thường, cân bằng, họ sẽ quan sát được vấn đề đang diễn ra và biết nên làm gì tiếp theo.
Ăn cho thân khoẻ đã khó, ăn cho tâm trí khỏe thì còn khó hơn.
Thân khoẻ thì nền tốt cho tâm trí, khi tâm trí khỏe thì lại biết nên điều chỉnh thế nào cho thân khoẻ hơn.”
Xu không có hiểu nhiều về âm dương sinh khí, nhưng vô tình đọc được bài viết này mà muốn mang chia sẻ với mọi người. Đây có lẽ cũng sẽ là chủ đề gây nhiều tranh cãi nếu mang ra bàn luận, ví dụ như: có nhiều người nói rằng, cả ngày đi làm về mệt mỏi, không muốn nấu ăn, mua đồ ăn sẵn hay ăn ngoài cho tiện. Không làm nhau mệt mỏi thêm, có thời gian nghỉ ngơi, không đùn đẩy việc nhà,…giải quyết được hàng tá vấn đề.
Cuộc sống hiện đại mang lại sự tiện nghi cho con người, nhưng đôi khi cũng lấy đi những giá trị sâu sắc. Thế hệ của nhiều người trong chúng ta khi còn nhỏ, ăn cơm nhà ngày ba bữa, không hề biết đến “cơm hàng cháo chợ”. Khi lớn lên xa bố mẹ, xa quê hương, anh chị em mấy khi có dịp ngồi lại, câu chuyện râm ran cũng bên mâm cơm như khi còn nhỏ. Nó như một sự kết nối bền vững, để dẫu có những xích mích xảy ra, khi đã ngồi lại cùng mâm cơm, mỗi người đều có những câu chuyện bùi ngùi nhớ về; rồi chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không. Vì chúng ta đều là anh em một nhà, từng có những giây phút hạnh phúc bên mâm cơm đơn sơ đến như vậy cơ mà!
Trong nhịp sống hối hả ngày nay, người lớn hay cả trẻ em cũng đều phải nỗ lực trong guồng quay của mình, từ sáng sớm đến tối muộn. Họ luôn cảm thấy thời gian trong ngày quá ít. Và hiển nhiên, thứ họ cắt giảm trước tiên đó là thời gian dành cho gia đình.
Đành rằng, khi còn trẻ, người ta cần phải tất bật vì nhiều lẽ: trau dồi kiến thức, kỹ năng, tạo dựng sự nghiệp, hướng đến tự do tài chính… Nhưng trong quá trình đi đến kết quả đó, tình cảm gia đình, hơi ấm tình thân, sự kết nối giữa những thành viên với nhau, cũng là điều cần phải tạo dựng mới có được hạnh phúc vẹn tròn. Nếu như chỉ chăm chăm vào việc ra ngoài, đến một lúc nào đó sẽ mất đi sự cân bằng cần thiết.
Theo các chuyên gia tâm lý, bữa cơm gia đình là khoảnh khắc tuyệt vời nhất để gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. Trong bữa ăn, các thành viên trò chuyện, chia sẻ tạo một không khí vui vẻ gắn kết tình cảm yêu thương. Từ đó, mỗi người sẽ dần cảm nhận được giá trị lớn lao của hai chữ gia đình, để biết gìn giữ và trân trọng mái ấm gia đình hơn.
Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống, con người phải chạy đua với thời gian, với công việc, nhưng mỗi người cần biết sắp xếp hài hòa mọi thứ để có phút giây quý giá dành riêng cho gia đình, để quây quần bên mâm cơm sau ngày làm việc. Hoặc chỉ duy trì bữa ăn đầy đủ thành viên vào ngày nào đó phù hợp trong tuần cũng là đáng quý.
Và Xu cũng tự hỏi, nếu sống một cuộc sống mà đến bữa ăn, giấc ngủ cũng vội vã, thì cuối cùng mình sống vì điều gì?