• Hotline: +84–246 293 9036
  • recruit@vietis.com.vn
  • 3F & 5F, 3A Building, Lane 82 Duy Tan Str., Hanoi, Vietnam

Này, các cậu có hay cáu với người thân không?

Sáng nay tớ cáu um và nói những lời không hay với mẹ, vì mấy quả bơ dở hơi và cái máy xay sinh tố. Nghe thì cũng không có gì đúng không, nhưng cái tính xấu của tớ là mỗi lần ngủ dậy rất dễ quạu, và rồi cái chuyện không có gì lại thành thứ khiến tớ mặt sung lên rồi gây với mẹ. Mẹ tớ thì hiền lắm nên chẳng mắng đâu, nhưng…ừ, tớ sai rồi.

Rõ ràng là mỗi lần cáu giận với người thân xong, chúng ta đều cảm thấy hối hận song dường như thói xấu này thật khó sửa, khó bỏ. Càng với người thân, con người chúng ta lại càng không nhẫn nại, phải vậy không? Có lẽ rất nhiều người chúng ta đều đang phạm một sai lầm giống nhau, đó là đối xử với người thân một cách tùy tiện, có khi là thiếu lễ độ mà không suy nghĩ trước sau trong khi với người ngoài, chúng ta lại tỏ ra lịch sự, khách khí…

Người càng gần gũi, ta càng dễ nổi cáu, tại sao vậy?

Thực ra lý do chẳng có gì khác ngoài việc người thân luôn bao dung chúng ta. Sự bao dung của người nhà, bố mẹ, vợ chồng hay anh chị em là nguyên nhân khiến chúng ta dần trở nên vô phép tắc.

Nếu như với người khác, việc chúng ta giận dữ, trút giận lên họ sẽ khiến cho mối quan hệ của chúng ta gặp rắc rối. Thế nên, trong giao tiếp xã hội, con người luôn phải để ý và áp dụng những cách nói chuyện khác nhau đối với mỗi nhóm đối tượng khác nhau.

Khi ở nhà, chúng ta thả lỏng bản thân, bộc lộ hết những tính tốt lẫn tính xấu. Con người thường giải phóng cơn thịnh nộ một cách vô thức sang người thân. Ta làm như thế vì tin rằng, mối quan hệ đó đủ mạnh. Và, khi ta có bộc lộ một cách tự nhiên, điều này cũng không gây tổn hại đến mối quan hệ ấy.

Càng gần gũi thân thiết lại càng mất đi giới hạn. Đối với người lạ, ta cố gắng tạo ấn tượng tốt, vui vẻ, thân thiện, tốt bụng. Còn đối với người thân thiết, ta nghĩ rằng điều này không cần thiết. Dù ta có lúc không thân thiện, người thân cũng không rời bỏ ta.

Thông thường, nếu một người phải chịu ấm ức ở bên ngoài, người đó sẽ về nhà thổ lộ, tâm sự với người nhà. Trong một môi trường có thể đem lại cảm giác an toàn như thế, chúng ta sẽ dễ dàng quên mất việc làm thế nào để lựa lời nói với người nhà, thay vào đó, chúng ta sẽ dùng những câu nói không hay, làm tổn thương những người gần gũi với mình.

Chưa dừng lại ở đó, chúng ta thường có tâm lý kỳ vọng quá nhiều vào người nhà, luôn cho rằng họ phải ủng hộ, hỗ trợ mình, một khi gặp chuyện không thuận lợi sẽ dễ cảm thấy bị bỏ rơi, cho rằng “người khác không hiểu mình đã đành, tại sao đến bố/mẹ/chồng/vợ… cũng vậy” và rồi càng nghĩ càng giận thêm.

Khi chúng ta hành xử tùy tiện vô ý, chúng ta sẽ làm tổn thương những người xung quanh mà không nhìn thấy họ đang lặng lẽ quan tâm chúng ta bằng những việc làm dù rất nhỏ. Khi chúng ta gắt gỏng ngắt lời dặn dò đầy thiện ý của bố mẹ, chúng ta không phát hiện được họ đang đau lòng, lặng lẽ bỏ đi, buồn bã ngồi một mình trong phòng…

Người thân sẽ chấp nhận những tổn thương mà chúng ta gây ra, không chút oán hạn, bởi họ là những người gần ta nhất, thân thiết nhất, có thể bao dung chúng ta nhất và chắc chắn không rời đi.

Thời gian mỗi một người có thể ở bên bố mẹ hoặc những người thân khác là quãng thời gian vô cùng quý báu nhưng cũng rất có hạn. Từ bây giờ, hãy cố gắng bỏ thái độ thô bạo, đừng tùy tiện trách móc người thân. Thử cùng nhau thay đổi thói quen xấu này mỗi ngày bằng 3 điều sau nhé:

1. Kiềm chế cảm xúc khi nóng nảy

Các nhà nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng, khi con người giận dữ sẽ xuất hiện hiện tượng “suy nghĩ nông cạn”, chỉ nhìn vào những thông tin tiêu cực. Trước khi bản thân rơi vào tình trạng mất kiểm soát cảm xúc, hãy thử dừng lại, không nói hoặc rời khỏi nơi đó, hít thở sâu, bình tĩnh lại.

Các nhà tâm lý học của Mỹ cho rằng: “Hạ thấp giọng, giảm tốc độ nói, mở rộng lồng ngực ra”, 3 bước này sẽ rất có ích trong việc cân bằng lại cảm xúc, kìm hãm sự nóng nảy.

2. Thay đổi cách nhìn về vấn đề đang gặp

Con người luôn hy vọng bản thân mình đúng hoặc đối phương phải tiếp nhận ý kiến của mình. Tuy nhiên nếu đứng ở vị trí của người thân và suy nghĩ, xuất phát điểm của họ luôn tốt cho bạn, hãy học cách thấu hiểu họ. Nếu họ nói không ngừng nói một chuyện gì đó, bạn có thể chọn một cách hợp lý để biểu đạt suy nghĩ của mình. Hãy nói với họ bạn đã biết vấn đề nằm ở đâu để họ có thể tin rằng bạn có thể giải quyết tốt vấn đề đó.

Một người khi giận dữ thường khó có thể nói năng rõ ràng. Khi đã phát sinh lời qua tiếng lại, tốt nhất hãy để người khác nói xong, nghe xong rồi hãy nói với thái độ xây dựng, chân thành, như thế mới có thể giải quyết mọi việc êm thấm.

3. Tôn trọng người thân – ghi nhớ điều này để không còn dễ nóng giận với người thân

Chúng ta luôn muốn được tôn trọng. Người thân của ta cũng vậy. Họ có thể khác ta về suy nghĩ, lựa chọn và hành động. Vậy, hãy tôn trọng họ ngay cả khi có sự khác biệt này.

Dễ nóng giận nhất là với người thân hầu như đều diễn ra với tất cả chúng ta. Có khác, hẳn chỉ nằm ở mức độ. Nóng giận với người thân hoàn toàn có thể kiểm soát được. Một khi kiểm soát thành công, chắc chắn hòa khí và yêu thương sẽ tăng lên. Cuộc sống của chúng ta nhờ thế cũng thêm phần ấm áp và hạnh phúc hơn.

ĐỐI TÁC TIÊU BIỂU