- 06/02/2024
Blog radio số 45: Tết này, hay là thương… thương Tết thêm lần nữa
Có ai càng lớn càng sợ đến Tết không ạ? Mình hay nghe mọi người than:
“Đang yên đang lành tự nhiên Tết”
Ngày càng có nhiều người không thích Tết, đến mức mình nhớ có dạo nào đó, có tiến sĩ hay giáo sư đề xuất bỏ Tết Nguyên Đán cho đỡ tốn kém. Giơ tay, nếu bạn còn nhiều lắng lo mỗi dịp Tết về, thấy Tết nay không đong đầy như Tết xưa, thấy không vui vì nhiều lý do riêng.
Hồi nhỏ thì Tết là háo hức, vì trẻ con thì chỉ có việc mặc áo mới, ăn bánh kẹo thoải mái, đốt pháo, nhận lì xì. Thêm vài tuổi nữa, khi bắt đầu phải gánh vác các nghĩa vụ của người lớn thì mới thấy Tết đi kèm với hàng loạt nỗi lo toan bận rộn, đến mức có lúc ta phải thở dài ngao ngán mong nó nhanh qua. Để kể thử những điều khó chịu đó nhé:
– Công việc đang bận sấp mặt lại phải bỏ dở dang đón Tết, tự nhiên nghỉ 7 ngày, ra Tết lại chạy deadline té khói cho xem
– Kinh tế khó khăn, Tết thì tốn kém, đi làm kiếm tiền còn tốt hơn
– Dọn nhà dọn cửa mệt bở hơi tai
– Lễ nghi, phong tục lằng nhằng, rắc rối
– Tắc mọi nẻo đường
– Ăn uống cỗ bàn, rửa bát suốt thôi, mệt mỏi
– Hàng vạn câu hỏi của các bác các cô các chú
– …..
Bạn có thấy mình cũng đang nghĩ vậy không?
Cái Tết đầu tiên đọng lại trong ký ức của mình khi còn nhỏ, khi cô giáo “lì xì” cả lớp bằng một chồng bài tập về nhà. Lớn thêm một chút thì tôi lờ mờ nhận ra Tết nghĩa là phải làm ti tỉ thứ không tên để dọn dẹp nhà cửa. Rồi nhớ cả những cái Tết ngồi nhà tiếp khách khi bố mẹ đi vắng, ngượng nghịu nói vài câu xã giao tẻ nhạt với những người khách đôi khi mình còn không biết là ai.
Nhưng sao mình vẫn cứ là thương Tết lắm!
Cái mùi của Tết ấy bao nhiêu năm vẫn không thay đổi, vẫn mặn nồng, vẫn ấm áp và đong đầy yêu thương. Nào đâu phải Tết nhạt đi, chỉ có tình người đổi thay, nào đâu phải thời gian tàn nhẫn, chỉ có mình đã không còn là đứa trẻ háo hức đón giao thừa bên gia đình, chỉ có mình cứ lớn lên rồi rời xa, để những bữa cơm sum vầy không còn trọn vẹn, để không khí nguội đi những tiếng cười, để mùi vị Tết lùi dần vào dĩ vãng.
Dù có “ngán” thế nào thì đâu đó đứa trẻ trong mình vẫn nhớ cảm giác đặc biệt khi xuân về.
Chúng ta vẫn sẽ chẳng nhận ra mùi vị của Tết là gì, cho đến lúc ở đâu đó quá xa, muốn về nhưng chỉ có thể lặng nhìn Tết quê nhà qua màn hình điện thoại. Mình có một con em đi du học ở Anh, giáng sinh và tết dương lịch bên đó đã qua từ lâu. Giữa một rừng các bạn Tây mắt xanh, tóc vàng, một cô bạn người Châu Á nhỏ bé xen vào giữa dòng người, chỉ để níu tay nó lại thì thầm: “Chúc mừng năm mới cậu nhé!”. Chỉ vậy thôi mà nó cảm động tới rơi nước mắt. Có lẽ cái gì phải khi mất đi rồi ta mới hiểu được hết giá trị của nó. Nó hay gọi video call về vào đêm giao thừa để có thể nghe thấy tiếng pháo hoa, tiếng tivi đang chiếu chương trình Táo quân, tiếng mọi người chúc nhau đầy phấn khởi…Điều đó khiến nó có cảm giác mình như đang được ở nhà vậy.
Cũng có dạo, đứa bạn thân của Xu lựa chọn ở lại Hà Nội làm Tết thay vì về quê. Nó chán Tết, tốn tiền, buồn tẻ chẳng có gì vui. Trong khi ở lại Hà Nội làm lương x2, x3 thích hơn nhiều. Nhưng rồi ngay đêm giao thừa nó phải gọi về ỷ ôi rằng biết thế nó nên về, ở đây nhìn mọi người sum vầy còn nó một mình nơi văn phòng lạnh lẽo với xuất cơm bụi mà tủi thân quá. Từ đó, không năm nào nó làm Tết nữa.
Lúc ấy, chúng ta mới thấy, Tết đâu cần phải mâm cao cỗ đầy, bánh kẹo xịn, hoa đẹp, xe sang, áo mới, trang hoàng rực rỡ…
Đó chỉ cần là một khoảng thời gian mình được dừng lại một chút, để quay trở về với vòng tay người thân, vỗ về nhau sau một năm khó khăn, để thấy Tết vẫn đáng để thương lắm.
Tết là khi ở đó có đủ gia đình, có thể nhìn thấy ông bà, bố mẹ và anh chị vẫn khoẻ mạnh, có thể cụng ly chúc sức khỏe mọi người, có thể chờ đón khoảnh khắc pháo hoa giao thừa rực rỡ, có thể cùng cả nhà đi hái lộc đầu năm.
Khi đã trưởng thành và nghĩ lại những kỷ niệm ngày Tết, mình nhận ra rằng Tết thực ra không “đáng ghét” như mình từng nghĩ. Yêu hay ghét chỉ là cảm nhận của con người, chứ Tết không có lỗi.
Nếu ai cũng có thể giản lược đi những thứ hình thức không đáng có mà tập trung vào những giá trị cốt lõi của ngày Tết, Tết sẽ vui hơn nhiều.
Hãy cứ ghét những gì không hay của ngày Tết, nhưng hãy cứ yêu những gì tuyệt vời của ngày Tết. Bởi Tết cũng như gia đình – “giận thì giận, mà thương thì thương”. Dù có thế nào ta cũng không thể dứt bỏ được, vì sâu thẳm bên trong tâm hồn, ta biết ta yêu, ta tự hào, và ta trân trọng những gì mình đang có.
Với tất cả những ai đang ăn Tết ở quê nhà, ở nơi xa, và ở trong tâm tưởng, chúc mọi người một cái Tết an lành và một năm mới tràn ngập hạnh phúc, tiếng cười.
Vì bạn là Tết của một ai đó!