- 29/08/2023
Blog Radio số 25: Chủ động bắt chuyện với người lạ, bạn có dám?
Bạn là người hướng nội hay hướng ngoại?
Hướng nội hay hướng ngoại là những thuật ngữ chỉ tính cách thường dùng trong các phạm trù tâm lý xã hội. Hai thuật ngữ này là thành quả nghiên cứu của nhà tâm lý học Carl Jung. Theo ông, trong mỗi người đều có tính hướng nội lẫn hướng ngoại, khác nhau ở chỗ họ thiên về mặt tính cách nào hơn thôi. Sau đó, lý thuyết này được phổ biến rộng rãi hơn thông qua các nghiên cứu khác như Big5 hay MBTI của Myers Briggs.
Người hướng ngoại thường thích giao tiếp, hòa đồng, hoạt náo và thân thiện. Họ chú ý đến những điều diễn ra bên ngoài hơn là quay vào nội tâm bên trong. Họ có được năng lượng từ giao tiếp xã hội, vì vậy họ sẽ thích được sự chú ý trong đám đông. Lấy cảm hứng khi nói chuyện, làm việc với người khác. Đôi khi, họ sẽ cảm thấy nhàm chán khi ở một mình.
Người hướng nội thường tập trung vào đời sống nội tâm, trầm tính và dè dặt. Họ tập trung nhiều hơn vào những suy nghĩ, cảm xúc và tâm trạng bên trong hơn là người hướng ngoại. Họ không giống người hướng ngoại có được năng lượng từ giao tiếp xã hội, người hướng nội phải tiêu tốn năng lượng trong các tình huống xã hội.
Ví dụ: Khi tham gia một bữa tiệc có cả người hướng nội và người hướng ngoại. Người hướng ngoại sẽ luôn cảm thấy thoải mái, tự tin vì đó là nơi dành cho họ. Trái lại, người hướng nội luôn cảm nhận được nỗi sợ vô hình. Họ phải gồng mình khi giao tiếp, giao thiệp với những mối quan hệ không quá quen thuộc. Do đó, họ cần thời gian ở một mình để bình tâm và lấy lại năng lượng.
Trước khi bạn kịp nhảy dựng lên rồi mang hai chữ “hướng nội” ra để thanh minh cho bản thân, mình muốn trích dẫn một câu nói rất hay của Reed Gary Hoffman, đồng sáng lập của Linkedin như sau:
“Những chuyên gia chỉ giỏi kỹ năng công việc sẽ không có nhiều cơ hội trong tương lai, bởi lẽ tương lai là kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo. Những chuyên gia có kỹ năng công việc vững vàng nhưng giao tiếp xã hội kém thì tương lai chỉ có cơ hội ngắn hạn, còn về dài hạn thì chưa chắc. Nhưng những chuyên gia vừa giỏi kỹ năng công việc, vừa giỏi giao tiếp xã hội chắc chắn là nhân tố không thể thiếu cho tương lai…”
Bạn nghĩ sao về nhận định này?
Một người anh siêu hướng nội của mình từng thường xuyên nói thế này:
“Tôi là một người hướng nội, tôi không có nhu cầu giao tiếp nhiều.”
Mình không phê phán bất cứ nét tính cách nào, mình chỉ muốn chia sẻ rằng, hướng nội không phải cái tội để lúc nào bạn cũng mang ra để đối phó. Hướng nội là bản năng, nhưng giao tiếp là kỹ năng. Mà đã là kỹ năng thì có thể tập luyện và rèn luyện mỗi ngày, từng chút từng chút để phát triển và hoàn thiện.
Kể cho bạn nghe, từ lúc anh ấy biết về hội thoại ngắn – #smalltalk, anh đã liều mình để “thử bắt chuyện với người lạ”. Trước đó anh ấy cũng không nghĩ bản thân có quá nhiều nhu cầu giao tiếp tới như vậy. Nhưng chính những cuộc hội thoại 5 – 10 phút với những người mới, anh ý nhận lại được nhiều hơn những điều anh ấy tưởng tượng.
Giao tiếp là cách nhanh nhất để kết nối giữa người với người, để tiếp nhận thông tin và chia sẻ những cảm xúc. Một cuộc hội thoại ngắn ngoài việc giúp bạn có thêm những thông tin và cảm xúc, đôi khi còn giúp bạn hiểu ra thế nào là “nhân duyên”, khi vô tình bạn gặp được những đối tác chiến lược, hay “quý nhân phù trợ” của chính mình.
Để bắt đầu một hội thoại ngắn, bạn cần có một tình huống ngắn phù hợp (ví dụ trên một chuyến grab, trong lúc chờ xe bus, trong lúc trú mưa hoặc những tình huống để bạn đảm bảo cuộc hội thoại sẽ không thể kéo dài hơn so với những gì bạn mong muốn). Ngoài ra bạn cũng cần một tâm thế cởi mở để bắt đầu mở lời và dẫn dắt câu chuyện trong tối thiểu 5 phút. Đừng chỉ dừng lại bằng một câu hỏi vấn đáp dạng có/không, như vậy hội thoại của bạn chỉ loanh quanh 1 hoặc 2 phút được thôi.
Bạn hướng nội, bản năng bạn không có quá nhiều nhu cầu giao tiếp xã hội. Nhưng bạn có thể ngày càng hoàn thiện kỹ năng giao tiếp của mình để phục vụ các mục đích cá nhân nhưng trao đổi thông tin, chia sẻ cảm xúc và hơn hết là mở rộng góc nhìn cuộc sống thông qua chính những câu chuyện ngắn ngủi với những người đối diện.
Tin mình đi, trò chuyện với người lạ là một cảm giác rất thú vị!
Chúc các bạn thành công và có thêm nhiều niềm vui nhé!